Đồng bào và các bạn thân mến!
Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính….
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên chợ đến hè phố, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị ở những đô thị lớn, các trang mạng xã hội... Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà sản xuất chân chính nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh...giả, kém chất lượng gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sốc thuốc, tổn thương hệ thần kinh, nhiễm độc, ung thư, ngộ độc… hoặc gây tử vong.
Để phát hiện và ngăn ngừa nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần quan tâm đến một số yếu tố sau:
- Về giá, nếu gặp các sản phẩm rao bán trên mạng xã hội hoặc bán tại các nơi không chính thức có giá rẻ hơn bình thường, cụ thể như một chiếc quần hiệu Levis chính hảng có giá khoảng một triệu đến vài triệu đồng, thì giá rao bán ở đây không đến 01triệu đồng, có thể coi đây là một dấu hiệu hàng giả.
- Về nơi bán, hàng hóa như mỹ phẩm, quần áo thời trang và các hàng khác… có giá trị cao được bày bán trong các cửa hiệu không phép, không phải là đại lý của Doanh nghiệp phân phối sản phẩm, bán hàng không có hóa đơn giao khách, trên nhãn sản phẩm không có hoặc không thể hiện đầy đủ các thông tin của sản phẩm thì cũng không nên mua vì có thể là hàng giả, hàng nhái hoặc gian lận thương mại về xuất xứ.
- Về hàng hóa, khả năng là “không có hàng hóa nào mà không thể làm giả được”. Cơ bản khi chọn mua người tiêu dùng lưu ý, ngoài các dấu hiệu nêu ở trên thì cần chọn những hàng hóa mà trên nhãn có thể hiện các thông tin về xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất, tên hàng, hạn dùng, cách dùng, bảo quản, định lượng, cảnh báo, số công bố chất lượng. Đối với dược phẩm, mỹ phẩm còn phải có số đăng ký; đối với rượu còn phải có tem rượu nhập khẩu (đối với rượu nhập khẩu) hoặc tem rượu sản xuất trong nước (đối với rượu sản xuất trong nước), đối với mũ bảo hiểm, xe đạp điện… còn phải có dấu hợp quy; đối với tivi, tủ lạnh… còn phải có tem năng lượng. Tùy từng nhóm loại hàng hóa, với mục đích đảm bảo chất lượng, bảo vệ nhà sản xuất chân chính, chống hàng giả, gian lận thương mại mà Nhà nước có quy định về việc ghi nhãn hoặc tem dấu trên sản phẩm, trên bao bì hàng hóa.
- Đối với các loại thực phẩm đóng hộp bằng kim loại hoặc giấy không nên mua những hộp thực phẩm bị phù, móp méo hay các biến dạng khác của bao bì vì có thể sản phẩm đã lâu (quá hạn dùng) hay sản phẩm giả, kém chất lượng do ảnh hưởng của nguyên liệu kém chất lượng sẽ làm phù, biến dạng bao bì…
Người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Thủ Đức
Nguồn tin: Phòng VHTT TP Thủ Đức